Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Truyền thuyết hoa Bồ Công Anh.


Trên một cánh đồng nọ, có một loài cây có những bông hoa vàng rực, những chiếc lá dài, xanh thẫm với những chiếc răng cưa nhọn hoắt như những chiếc răng nanh của con sư tử. Người ta gọi nó là cây Răng Sư Tử.
  Răng Sư Tử nằm đủng đỉnh bên trên đồng cỏ dại, trong trái tim chàng ôm ấp những cánh hoa vàng như màu nắng. Người chàng yêu chính là đoá hoa nở rộ từ chính trong vòng tay ấm áp của chàng. Những chiếc lá gai góc của Răng Sư Tử ôm vòng lấy những đoá hoa, chở che và đầy khao khát.
  Mùa hạ đến, những bông hoa trút bỏ những chiếc trâm cài đầu vàng óng, chiếc áo ruộm nắng được thay bằng một cái áo choàng bông nhẹ, trắng muốt và mịn như những chiếc lông ngỗng. Bông hoa từ trong vòng tay chàng trai vươn cao lên đầy kiêu hãnh. Răng Sư Tử vẫn say mê ngắm nhìn và thầm ngợi khen vẻ đẹp ấy của nàng. Người con gái của chàng đã biến thành bông Bồ Công Anh với chiếc áo choàng satin trắng xốp. Tình yêu cứ thế lớn lên…
  Bỗng một ngày, từ một miền xa xôi nào đó, thổi đến một người con trai có cái tên là Gió. Gió ồn ào, mạnh mẽ, cuồng nhiệt và sôi nổi. Gió lướt đi trong vũ khúc quay cuồng. Gió cầm trên tay cây sáo trúc, thổi những bài ca đẹp về cánh đồng, và về những miền đất mà chàng đã đi qua. Gió kiêu hãnh, Gió lạnh lùng, và Gió cũng vô tâm. Gió lướt đi ngang qua trên cánh đồng, khiến biết bao loài cây phải hướng mắt theo. Bên trên cái thế giới nhỏ bé ấy, chàng là người được yêu mến và ngưỡng mộ.
  Bồ Công Anh không phải là ngoại lệ. Gió ập tới khiến nàng choáng ngợp, choáng ngợp trước vẻ phong lưu và bất cần. Khi cơn Gió lướt qua trên cánh đồng, nàng vươn mình theo hướng gió, đón Gió về lại bên nàng. Nàng muốn được những ngọn gió mát rượi ôm ấp vào lòng, vuốt lên từng sợi bông của chiếc áo choàng trắng xốp. Nàng yêu Gió, trong sáng và trọn vẹn.
  Nhưng Gió sinh ra không phải để dừng chân. Chàng là đứa con của Ngao Du và Mạo Hiểm. Cánh đồng cỏ bình yên không phải là chỗ trú ngụ đời đời. Gió lại ào ạt thổi qua. Bồ Công Anh cố níu giữ, cố nắm bắt Gió bằng thân hình mảnh dẻ của mình, nàng vươn mình ra. Nhưng vô ích. Gió vẫn cứ thổi lạnh lùng.
  Răng Sư Tử nhói lên trong lòng. Trái tim chàng như bị chính những chiếc răng cưa cào xé. Chàng che chở cho người con gái chàng yêu, để rồi mất nàng trong giây lát. Răng Sư Tử tuyệt vọng giơ những cánh tay xanh biếc ra, giữ chặt lại Bồ Công Anh trắng muốt. Nhưng cánh tay chàng chơi vơi trong Gió. Những cánh hoa Bồ Công Anh xinh đẹp và mềm mại đã tự tách khỏi nhuỵ hoa, để bay cùng chiều với Gió mất rồi.
  Và ngày ngày, những người nông dân đi trên cánh đồng vẫn nghe tiếng Răng Sư Tử thì thầm cùng với chàng Gió từ miền xa thổi đến, hỏi những cánh Bồ Công Anh đã được Gió mang tới nơi đâu… “Ở nơi đó, cô ấy sống thế nào?”. Gió im lặng, Gió không thể mang Bồ Công Anh đi mãi. Cô gái ấy rơi xuống trên những cuộc hành trình, vùi mình vào trong đất, để rồi lại hồi sinh thành những đứa con và đặt tên chúng là Răng Sư Tử…
  Cây có Hoa, nhưng không giữ được Hoa. Hoa chỉ luôn vươn mình theo Gió. Gió lại khó nắm bắt, lại chỉ biết yêu những cuộc hành trình. Và khi cơn Gió qua rồi, Hoa mới biết: cội nguồn của mình là nhựa chảy trong máu của cây…

Mỗi loài hoa đều mang một ý nghĩa riêng. Ý nghĩa của bồ công anh là gì..?

Lời cầu chúc...

Mỗi cánh hoa bồ công anh đều hé mở một điều bí mật...
Thổi nhẹ...
Một cánh bay đi...Yêu thương bay đi rồi.
Bay đi thôi, không mất đâu... Bay đi để đến những vùng đất m
ới, để yêu thương trải rộng khắp nơi...
Cho thế giới đều tràn đầy yêu thương nhé...

 

Lại một cánh hoa nhẹ bay...
Lo âu, phiền muộn bay đi rồi... bay đi thật xa, không bao giờ trở lại...
Sẽ mãi mãi trên trời cao, không đáp xuống ai đâu.
Cánh hoa phiền muộn bay mãi chẳng dừng chân...
Và ai sẽ chẳng ai còn lo âu buồn bã...


Thổi nhẹ...
Một cánh nữa bay đi rồi...
Cánh hoa này là gì nhỉ..? Hoa ơi bay cao thật cao nhé, mang những giấc mơ đến với vì sao...
Bay cao bay cao...
Và ước mơ sẽ thành hiện thực...


Thổi nhẹ...
Mang bình yên đi khắp nơi bồ công anh nhé...
Mọi sóng gió sẽ qua, sẽ không còn những rắc rối khiến người ta bận tâm lo lắng nữa......

Và lòng lại bình yên

Thổi nhẹ...
Sao cánh hoa bay nhiều quá...
Bay đi nhé, bay đi nhé hoa ơi...
Bay đến thật nhiều nơi nhé. Phủ những cánh bồ công anh nhỏ đến mọi miền. Rồi từng cây bồ công anh lại mọc lên...
Cứ thế cứ thế nhân lên thật nhiều nhé. Những cánh hoa nhỏ lại bay đi... thật cao... thật xa...

Nhẹ bay... nhẹ bay... đến những miền xa xôi nhất...
Mỗi cánh hoa là một niềm hạnh phúc...
Và hạnh phúc sẽ ngập tràn quanh tất cả...


Thổi nhẹ... thổi nhẹ...Cánh hoa bay đi nhiều không..?
Thổi nhẹ... thổi nhẹ...
Chỉ còn một cánh thôi... Cánh hoa nhỏ nhất, yếu ớt nhất...
Sao chẳng bay đi thế..?

Thổi nhẹ...
Vẫn không bay đi sao..?
Thổi nhẹ...
Còn lại một cánh hoa...
Yêu thương, phiền muộn, bình yên, hạnh phúc... tất cả đều bay đi rồi... Để xung quanh tràn ngập nắng ấm...
Còn một cánh hoa... Một chút tiếc nuối...
Để vào tim nhé, mãi mãi là một kỉ niệm đẹp chẳng bao giờ quên...Hoa bay hết rồi...
Nhưng sẽ có rất nhiều, rất nhiều bông bồ công anh khác mọc lên...Lời tiên tri của hạnh phúc...


Gửi đến bạn những cánh hoa với tất cả yêu thương.
  


 

Sưu tầm,sẻ chia cùng bạn đọc.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Truyện Ngắn "Bát Mì Hải Đình."

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường
Trát Hoảng, Nhật Bản.




o O o



Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho
đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai
bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.

- Xin mời ngồi!

Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.

- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.

Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:

- Cho một bát mì.

Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn
vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. "Ngon quá" - thằng anh nói.

- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười
giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:

- Cho một bát mì.

Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:

- Vâng, một bát mì!

Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

- Này ông, mình nấu cho họ
ba bát mì được không?

- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!"

Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

- Thơm quá!

- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!

- Sang năm nếu
được đến đây nữa thì tốt biết mấy!

Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.

Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều
đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ". Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.

- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.

Nhìn
thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:

- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?

- Được chứ, mời ngồi bên này!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".

- Vâng, hai bát mì. Có ngay.

Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.

Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.

-
Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!

- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?

- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.

- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.

Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.

- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay
mẹ đã nộp xong cả rồi!

- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?

- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.

- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.

- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!

- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!

- Tiểu Thuần và con có
một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.

- Có thật thế không? Sau đó ra sao?

- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần
đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống,
khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn".

Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!"

Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu
Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.

- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì,
đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con."

Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:

- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua.

Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy "Đã
đặt chỗ" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.

Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.

"Việc này có ý nghĩa như thế nào?" Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được
đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai "cũ" trở thành "cái bàn hạnh phúc", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.

Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước
tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ.

Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người
vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.

Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng
giữa hai thanh niên.

Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:

- Các vị... các vị là...

Một trong hai thanh niên tiếp lời:

- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm
trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn
nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:

- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!

Bà chủ như bừng tỉnh
giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

- Có ngay. Ba bát mì.



o O o



Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài
câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt, nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang
lại sự ấm áp cho mọi người.

Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng: "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt". Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.