Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Ngày tháng cuối của tuổi học trò


Đôi khi, phải ở những giây phút cuối cùng con người ta mới cảm nhận được sự quý giá của những khoảnh khắc đã qua, mới thấu hiểu, mới ngỡ ngàng vì những điều đã đánh mất...

Có lẽ cũng chẳng còn mấy thời gian để em lắng nghe những điều cô nói, chăm chú những điều thầy giảng và vâng lời thầy cô nhiều hơn nữa.
Tuổi học trò không phải là một quãng thời gian ngắn ngủi để không cảm thấy xao xuyến, cũng không quá dài để thấy chán nản. Nó vừa đủ để những người mới đến ham mê và khám phá, để những kẻ sắp chia xa thấy luyến tiếc vô cùng .
Một ngày mùa thu nắng đẹp của 12 năm về trước, em rụt rè bước qua cánh cổng trường tiểu học, em không khóc như trong một bài hát tuổi thơ nhưng vẻ rơm rớm trên khuôn mặt bé nhỏ làm cô ôm em vào lòng và âu yếm. Cùng với niềm âu yếm và yêu thương ấy, em học được cách cộng trừ những con số khô khan, cách bay bổng với những vần thơ con chữ.
Sáng sáng đến trường với năm điều Bác Hồ dạy, chiều chiều ra về cùng “Lễ phép người trên, đi đường bên phải...”. Tuổi tiểu học gắn liền với những tâm hồn ngây thơ như thế. Cái sự ngây thơ đi cùng sự vô lo vô nghĩ. Em đi qua năm năm tiểu học và hớn hở bước vào một môi trường khác lạ rồi quên mất cô và một lời tri ân cho cô.
Bước vào cấp 2 là cả một sự trải nghiệm mới mẻ của những cô bé, cậu bé. Em bắt đầu khám phá những điều tuyệt vời của thế giới này dưới sự chỉ dạy của thầy cô. Rồi em cũng đã biết đặt những câu hỏi hóm hỉnh mà khó lòng trả lời như “ Học để làm gì?”.
Và câu trả lời xuất hiện trong một tiết học môn vật lý khi em cố gắng tìm đáp án của câu hỏi về kim chìm, tàu nổi? Em đã biết học để tiếp thu tri thức. Say sưa với những điều như thế, em biết đến nhiều hơn những gì em tưởng: đó là 18 đời Vua Hùng dựng nước.
Đó là Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long năm 1010, là cuộc kháng chiến trường kỳ 100 năm chống thực dân, đế quốc. Em cũng biết được rằng Việt Nam là một đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm, nằm ở vị trí Đông Nam Á. …
Say sưa cùng với những điều tuyệt vời của thế giới em chia tay với thầy cô mà cũng quên đi lời cám ơn chân thành.
Trong những năm tháng cuối cùng của tuổi học trò, những đứa trẻ con ngây thơ giờ đây đã không còn ngây thơ như ngày nào. Chúng đã lớn lên và người lớn theo một cách trẻ con đúng với câu khẩu ngữ “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Đó là những lần đi học muộn, trèo cổng vào trường để trốn thầy giám thị. Đó là những lần không thuộc bài với câu trả lời dành cho cô “Em xin lỗi cô, hôm qua em soạn nhầm sách vở”. Là những lần tâm hồn treo ngược cành cây cô gọi dậy trả lời mà ú ú ớ ớ.
Là một phương trình lượng giác không thuộc, là hiện tượng vật lý quên mất nguyên nhân, là phương trình phản ứng mà quên mất xúc tác, là vanh vách “ Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi, đất nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể ….”
Với những cái sự quên nhớ, nhớ quên linh tinh như thế. Thầy cô cũng có những biện pháp khá là “ mạnh tay” để kiến thức đọng lại trong cái đầu đầy rẫy những vấn đề mông lung của chúng em.
Cuối cùng thi trong những cái đầu đầy K-biz, V-biz ấy cũng có được khá nhiều: hình lăng trụ đều là hình lăng trụ đứng có đáy là các đa giác đều, iện tượng quang điện là hiện tượng electron bị bật ra khỏi bề mặt kim loại khi có ánh sáng thích hợp chiếu vào, phản ứng oxi hóa khử là phán ứng có sự thay đổi số oxi hóa của nguyên tử trong các phân tử tham gia phản ứng và Đất nước là của Nguyễn Đình Thi chứ không phải của Nguyễn Khoa Điềm ...
Những điều như thế cứ đến, cứ đi, cứ trôi qua trong cuộc đời mỗi con người và để lại những kí ức không thể nào quên. Những khoảnh khắc ấy với mỗi người tuy khác nhau, khác nhau về vật chất, về không gian, về lối sống, suy nghĩ nhưng giống nhau, đặc biệt giống nhau về ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn lao nó để lại trong mỗi con người .
Và trước hết những điều như thế đang được hồi tưởng bởi một cô bé sắp lớn. Cô bé đang cố gắng níu giữ lại những khoảnh khắc lớn lao như thế bằng những dòng văn vụng về của một học sinh ban tự nhiên. Dẫu biết những dòng văn có thể không xuôi, có thể sai sót nhưng... mặc kệ.
Những dòng này để cô bé nhớ hơn, yêu hơn cái thời “Áo trắng đến trường”. Để cô bé ghi dấu về những năm tháng đã qua. Để cám ơn những bậc làm thầy và chắc chắn sẽ không quên lời cám ơn một lần nữa.

Tản mạn sẻ chia cùng bạn đọc.

Bài học từ con cá


Những con cá này phải thích nghi với môi trường xung quanh. Nếu không chúng khó tồn tại...
Chuyển trường. Vậy là tất cả đều phải thay đổi. Con đường đến trường mới của tôi dài hơn. Những bài giảng mới khó hiểu hơn. Cô chủ nhiệm mới không “cưng” tôi như cô chủ nhiệm cũ. Nhất là lũ bạn mới chẳng thân thiết, hay bá vai bá cổ rủ tôi đi ăn chè , ăn kem như lũ bạn ngày xưa. Nói tóm lại là : Chán.
Hôm nay, khi cô giáo tiếng Anh yêu cầu ghép đôi để thực hành bài hội thoại thì chẳng có ai thèm ghép đôi với tôi cả. Cảm giác một mình trong khi cả lớp đã có đôi có cặp hết làm cho tôi tủi thân, chỉ muốn chạy ra khỏi lớp. Đem nỗi buồn và ấm ức to đùng ấy về kể với mẹ , mẹ chỉ mỉm cười. Lát sau, mẹ gọi tôi ra xem mẹ … làm cá.
- Con nhìn những con cá này. Chúng có gì đặc biệt không?
Tôi rất ngạc nhiên. Chúng chỉ là những con cá bình thường thôi mà, đâu có gì đáng chú ý. Như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, mẹ giảng giải :
- Con xem nhé, những con cá này có lớp vảy bên dưới bụng màu trắng là để cho những con cá săn mồi bên dưới khi nhìn lên dễ bị lóa, tưởng lầm với ánh nắng mặt trời. Còn lớp vảy ở lưng chúng lại sẫm , để cho những con chim bói cá nhìn từ trên xuống sẽ bị lẫn với màu xanh nước sông.
Ừ nhỉ, bây giờ tôi mới để ý đến màu vảy của những con cá này. Đúng như mẹ nói. Vảy của chúng phân thành hai màu rõ rệt. Vẫn là giọng dịu dàng, đầm ấm ấy; mẹ nói với tôi:
- Con có biết vì sao chúng lại như vậy không? Là vì những con cá này phải thích nghi với môi trường xung quanh. Nếu không thì chúng khó mà tồn tại được trong thế giới đầy nguy hiểm rình rập ấy.
Ngừng một lát, mẹ nói :
- Những con cá còn có thể thích nghi với môi trường sống của mình. Chẳng lẽ con mẹ lại không làm được, không bằng những con cá?
Đến đây thì tôi đã hiểu ý của mẹ. Không, tôi không thể nào thua những con cá được. Trường mới của tôi, dù có lạ lẫm đến mấy — nhưng nếu cố gắng thì tôi vẫn có thể hòa nhập được thôi. Mẹ hiểu được quyết tâm của tôi,nhìn sang khích lệ:
- Cố lên, con ! Mẹ tin là con làm được.                    

Cảm nhận về chùm thơ "Lục bát bốn mùa" của tác giả Việt An

                  Cảm nhận về chùm thơ "Lục bát bốn mùa" của tác giả Việt An.

Cái dào dạt của trời thu, sự bâng khuâng của lòng người hòa vào nhau, tạo nên nét mềm mại của cảnh vật, gợi cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, thoáng chút buồn man mác. Thời khắc của mùa Hạ trôi qua, nhường chỗ cho mùa Thu dịu nhẹ. Có một điều đặc biệt, nhưng rất chung, đó là mùa Thu trong thơ văn thường đượm buồn.


LỤC BÁT BỐN MÙA
Việt An
Xuân
Xuân về khẽ chạm làn môi
Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần
Mưa như bụi ngọc trong ngần
Vườn xưa Đào nở, trước sân Mai vàng.
Hạ
Tháng năm phượng cháy đỏ trời
Gió như ai quạt làm rơi than hồng
Ve ru giấc hạ say nồng
Cánh diều bay giữa mênh mông nắng ngời.
Thu
Hạ đi vắng tiếng ve sầu
Thu về trước ngõ qua cầu Heo may
Lần tìm hơi ấm bàn tay
Khép tà áo mỏng, đón ngày thu sang.
Đông
Mưa phùn, gió bấc- Mùa đông
Đêm dài giá rét, ngày không mặt trời
Cành gầy treo giọt sương rơi
Hẹn ngày lộc thắm- biếc ngời sắc xuân.

Bức tranh bốn mùa vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca. Mùa Thu được biết đến là mùa của lá vàng bay, mùa Hạ với tiếng ve ngân. Mùa Đông cây trơ cành, trụi lá... Mùa Xuân đến, vạn vật thay áo mới, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa khoe sắc. Đó quy luật tất yếu của tự nhiên, mà sao cứ làm vấn vương lòng người. Vẫn theo quy luật liên hoàn của thời gian, không gian nhưng chùm thơ "Lục bát bốn mùa" của tác giả Việt An, đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng khó quên.
Mùa xuân thường gợi cho ta nghĩ đến tuổi trẻ, đến vẻ đẹp đầy sức sống của con người và đất trời. Cảnh mùa Xuân trong thơ Việt An đầy quyến rũ. Tác giả cảm nhận được bước đi của thời gian. Xuân về nhẹ nhàng, say đắm như nụ hôn của thiếu nữ - "khẽ chạm làn môi". Bài thơ như một cung đàn trong trẻo, đằm thắm, thiết tha với bao cảm xúc:
"Xuân về khẽ chạm làn môi
Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần
Mưa như bụi ngọc trong ngần
Vườn xưa Đào nở, trước sân Mai vàng."
Một sớm xuân lãng đãng, cảnh vật được bao phủ trong lớp sương mờ. Sương phủ trắng trên đôi vai người thiếu nữ! Từ láy "lãng đãng" có giá trị tạo hình sâu sắc, cộng hưởng với những hình ảnh gợi cảm ("Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần", "Mưa như bụi ngọc") đã khắc họa cảnh mùa xuân tràn đầy nhựa sống và không kém phần lãng mạn. Không gian xuân bừng sáng, lung linh trong sự hài hòa của sắc màu: sắc vàng của hoa mai, sắc hồng đỏ thắm, tinh khôi của những cành đào, sắc ngọc lung linh của những hạt mưa Xuân.
Nếu sắc màu làm bừng sáng bức tranh xuân thì "sức nóng" là sự lan tỏa làm nên bức tranh mùa Hạ. Không gian Hạ được phác họa rõ nét hơn trong sắc đỏ của hoa phượng, âm thanh của tiếng ve, sự dập dìu của cánh diều... Những hình ảnh có sức gợi tả, gợi cảm, đưa người đọc về miền kí ức tuổi thơ ngọt ngào, thân thương:
"Tháng năm phượng cháy đỏ trời
Gió như ai quạt làm rơi than hồng
Ve ru giấc hạ say nồng
Cánh diều bay giữa mênh mông nắng ngời."
Cái hay ở bài thơ này là ở những hình ảnh lôi cuốn, giàu chất gợi tả. Ve được nhân hoá "Ve ru giấc hạ say nồng". Hình ảnh "cánh diều" làm không gian thơ trở nên lãng mạn và mở rộng mênh mông, bát ngát. Cánh diều bay giữa bầu trời trong sắc nắng rực rỡ của mùa hè, gợi sự thanh bình, êm ả. Chỉ vài nét chấm phá, tác giả đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa Hạ đầy ấn tượng.
Tác giả đã khéo léo vận dụng thành công đặc trưng tái hiện không gian vô cực của thi ca; gói trọn bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong những sắc màu hài hòa, tươi mới. Mùa Thu trong thơ Việt An có nét mềm mại, dịu dàng. Tất cả đường nét, hình ảnh, màu sắc tương giao với nhau tạo nên một mùa Thu bàng bạc trong không gian Thu, làm say đắm lòng người. Mùa Thu còn được tác giả cảm nhận bằng sự giao cảm giữa tâm hồn và thiên nhiên:
"Hạ đi vắng tiếng ve sầu
Thu về trước ngõ qua cầu Heo may
Lần tìm hơi ấm bàn tay
Khép tà áo mỏng, đón ngày thu sang."
Cái dào dạt của trời thu, sự bâng khuâng của lòng người hòa vào nhau, tạo nên nét mềm mại của cảnh vật, gợi cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, thoáng chút buồn man mác. Thời khắc của mùa Hạ trôi qua, nhường chỗ cho mùa Thu dịu nhẹ. Có một điều đặc biệt, nhưng rất chung, đó là mùa Thu trong thơ văn thường đượm buồn. Nét buồn này vương lại trong thi ca:
                                                    “Mùa Thu đi qua còn để lại
                                                     Một ít vàng trong lá trong cây
                                                     Một ít buồn trong gió trong mây”
                                                                                     (Tế Hanh)
Nhà thơ Tế Hanh trong buổi chiều thu, đã có những cảm nhận như thế về mùa Thu- mùa gợi sầu, gợi nhớ. Nỗi buồn ấy dường như cũng là tâm trạng phổ quát của mỗi chúng ta, mỗi khi gió heo may chớm lạnh, lá vàng chao nghiêng, sương thu giăng mắc... Cái se lạnh của hơi thu khiến con người như muốn xích lại gần nhau:
"Lần tìm hơi ấm bàn tay
Khép tà áo mỏng đón ngày thu sang"
Hình ảnh thơ gợi nên một cảm giác mơ hồ, xa vắng khiến lòng ta nao nao, bâng khuâng, nhớ tiếc… Mùa thu trong thơ của Việt An không có lá vàng rơi: "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"(Nguyễn Khuyến); hay: "Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp lên lá vàng khô”(Lưu Trọng Lư)
Mùa thu trong thơ Việt An có cái se lạnh của gió heo may, thấp thoáng dáng vẻ kín đáo, dịu dàng của thiếu nữ trong hình ảnh "khép tà áo mỏng". Chỉ có thế thôi mà bức tranh mùa Thu hiện lên với những rung động xôn xao, cảm xúc tinh tế trước đổi thay, luân chuyển của đất trời và sự sống.
Vạn vật vần xoay, Thu qua - Đông đến. Đông mang theo cái lạnh của mưa phùn, gió bấc. Trong bức tranh mùa Đông, cảnh vật vẫn êm đềm nhưng gợn buồn. In trên nền cảnh lạnh lẽo của mùa Đông là hình ảnh cành cây khẳng khiu, khô gầy: 
                                             "Mưa phùn, gió bấc- Mùa đông
                                         Đêm dài giá rét, ngày không mặt trời
                                              Cành gầy treo giọt sương rơi"
Nhưng trong cảnh buốt giá ấy, một nét xuân hé nụ, tươi rói, làm ấm áp lòng người:   
                                        “Hẹn ngày lộc thắm - biếc ngời sắc xuân"
Tác giả sử dụng động từ "hẹn" ở dòng thơ cuối trong tâm trạng háo hức, đợi chờ ngày xuân sắc thắm. Hình ảnh “lộc thắm biếc ngời sắc xuân” ngời sáng một niềm tin, một tình yêu, một sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên. Nét son của chùm thơ "Lục bát bốn mùa" của Việt An chính là sự gắn kết giữa dòng thơ đầu trong bài thơ "Xuân" ("Xuân về khẽ chạm làn môi") với dòng thơ cuối trong bài thơ mùa "Đông" ("Hẹn ngày lộc thắm biếc ngời sắc xuân"). Đó không chỉ là quy luật của vũ trụ với sự luân chuyển bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông mà chính là tình yêu cuộc sống, là cái nhìn lạc quan của tác giả... Trong cảnh "mưa phùn gió bấc" của mùa Đông, vẫn nhìn thấy cảnh ngày "lộc thắm biếc ngời sắc xuân".
Điểm nhấn về mặt nghệ thuật của "Lục bát bốn mùa" cũng rất ấn tượng. Với thể thơ Lục bát - thể thơ truyền thống của dân tộc- tác giả không chỉ vẽ nên bức tranh Mùa, mà còn gửi gắm tình yêu, sự giao cảm, giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Nhà thơ đã vận dụng tinh tế các thủ pháp tu từ: biện pháp so sánh: "Mưa như bụi ngọc trong ngần" hay "Gió như ai quạt làm rơi than hồng"; biện pháp nhân hoá: "Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần", "Ve ru giấc hạ say nồng"... tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn người đọc. Cảnh vật cân xứng, hài hoà, rõ nét, gam màu nhẹ nhàng, hoà hợp… tạo cảm xúc thơ mộng, bình yên. "Lục bát bốn mùa" như một bức họa đa sắc. Điều đáng chú ý ở thơ Việt An là tác giả đã nắm bắt được cái "hồn" của cảnh vật để phác họa bức tranh thiên nhiên Mùa hữu tình, độc đáo và hấp dẫn.
"Lục bát bốn mùa" là tiếng nói riêng của tác giả Việt An, góp vào bức tranh chung của thi ca. Thời gian tuần tự Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi mùa đi qua trong một khoảnh khắc đáng nhớ, để lại những cảm xúc khó quên. Đó là sự bắt nhịp của thơ trong trong không gian, thời gian của thời khắc giao mùa; là tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên của con người...
Hào Hiệp đã đọc,cảm nhận thấy rất hay và sẻ chia cùng bạn đọc để cùng nhau gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn học Việt..

Vết mực - Câu chuyện làm người !

Vết mực - Câu chuyện làm người !

Tờ giấy trắng là hình ảnh rất quen thuộc để ví đời sống tinh khiết của một người. Và khi một lầm lỗi xảy ra, đó là một vết mực bôi vào tờ giấy trắng. Thế thì làm sao ta xóa vết mực đó đi? 

Ở một lớp học có câu chuyện mà chúng tôi không bao giờ quên. Hôm nay tôi xin kể lại câu chuyện đó.

Thầy giáo cầm một tờ giấy A4 trên đó có một vết mực đen. Thầy hỏi cả lớp “các em nhìn thấy gì trên tờ giấy”, cả lớp đồng thanh trả lời là "vết mực". Thầy hỏi lại, cả lớp vẫn trả lời "vết mực". Thầy lại hỏi một lần nữa, cả lớp vẫn trả lời là "vết mực". Thầy trầm ngâm một lúc nhìn tất cả lớp một lần, những đôi mắt trong sáng hồn nhiên của tuổi học trò.

Thầy bắt đầu nói “các em ạ! các em hãy coi tờ giầy nầy là cuộc đời của mỗi người. Vết mực kia là những khuyết điểm, những sai lầm chúng ta mắc phải trong cuộc sống. Còn khoảng trắng còn lại là những ưu điểm, những thành công của chúng ta trong cuộc sống. Các em ạ ! Trong cuộc sống không ai là không mắc sai lầm. Điều quan trọng là chúng ta sửa chữa sai lầm đó như thế nào. Các em đừng nhìn vào sai lầm (đặc biệt là những sai lầm trong quá khứ) của một ai đó mà đánh giá con người họ. Mà hãy nhìn vào ưu điểm của họ,  tha thứ cho những sai lầm của họ...

Tôi luôn nhớ đến câu chuyện trên.Còn các bạn nghĩ gì khi đọc câu chuyện này ?

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

GHÉ TỚI QUÊ ANH


Rất vui em ghé tới nhà
Hôm qua chuẩn bị con gà mái tơ
Cứ mong cứ đợi cứ chờ
Buồn lòng ngồi họa vần thơ giải sầu
Đường xa ghé tới Trung Mầu
Con đường đê nhỏ em đâu khó tìm
 Đồng quê ôi thật lắm chim
Chim trời cá nước em tìm chi đây
Quê anh cũng có đủ đầy
Sông quê bến nước nơi đây gió ngàn
Mừng vui em đã ghé sang
Nụ cười rạng rỡ cả làng anh vui
                            CUA ĐỒNG KINH BẮC